Giới Thiệu

Khuyến nông Đăk Nông: Tổ chức hội nghị sản xuất liên kết giữa người dân và doanh nghiệp

  • Ngày đăng28/09/2022
  • Lượt xem119

Trên cơ sở kết quả thực hiện Dự án Xây dựng mô hình sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc và liên kết theo chuỗi giá trị trong năm 2021 thuộc Dự án Khuyến nông Trung ương giai đoạn 2021-2023, ngày 27/9/2022 tại Hội trường UBND xã Nâm Nung, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông phối hợp với UBND xã Tân Thành, Nâm Nung thuộc Huyện Krông Nô triển khai hội nghị mô hình tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh giữa nông dân và doanh nghiệp. Với mục đích Hỗ trợ quản lý sản xuất cho các hộ thành viên theo quy trình; Liên kết được với các doanh nghiệp thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; Thông tin về tiêu chuẩn, chất lượng, giá cả cà phê mua bán giữa các thành viên và đơn vị thu mua; Điều chỉnh, thống nhất quy chế sau thời gian hoạt động.

Kết quả có khoảng 40 hộ dân của tổ hợp tác sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ tham gia và thống nhất được quy chế hoạt động; hàng năm phải xây dựng được  kế hoạch sản xuất; chủ động chia sẽ, trao đổi khoa học kỹ thuật về sản xuất cà phê,... từ đó tạo thành vùng sản xuất cà phê chất lượng cao của địa phương. Thông qua cuộc hội nghị, tổ hợp tác đã ký biên bản ghi nhớ về bao tiêu sản phẩm cà phê với HTX Nông Nghiệp Thành Thái.

Theo Ông Lang Thế Thành, Giám đốc HTX Nông Nghiệp Thành Thái sẽ thu mua toàn bộ sản lượng cà phê của các thành viên trong THT. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng cà phê Giám đốc HTX khuyến khích người dân chế biến cà phê Honey và thu mua với giá cao hơn giá thị trường từ 15.000 -19.000 đồng/kg; thu hái quả chín trên 85% thu mua với giá cao hơn thị trường từ 500-1.000đ/kg.

Về chính quyền địa phương, Ông Dương Thành Chung, phó chủ tịch UBND xã Nâm Nung, huyện Krông Nô khẳng định: Dự án Xây dựng mô hình sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc và liên kết theo chuỗi giá trị là dự án được nhiều người dân đồng tình ủng hộ, một mặt góp phần nâng cao thu nhập cải thiện cuộc sống, bảo vệ môi trường góp phần cân bằng hệ sinh thái. Bên cạnh đó còn góp phần thay đổi nhận thức của người nông dân, từ việc sản xuất theo tập quán, kinh nghiệm chuyển sang sản xuất có kế hoạch, hoạch toán kinh tế cụ thể và chủ động trong các khâu sản xuất.

Như vậy, việc triển khai Dự án đã góp phần thu hút được các hộ dân tham gia từ đó dần dần thay đổi tư duy của người trồng cà phê, từ việc sản xuất nông nghiệp chuyển sang kinh tế nông nghiệp và phù hợp với chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng và nhà nước đề ra.

Một số hình ảnh:

Hình 1: Toàn hội nghị

Hình 2: Trao đổi chia sẻ thông tin của HTX về chính sách thu mua cà phê

Tác giả: Nguyễn Thị Thảo – Trung tâm Khuyến nông Đắk Nông


Các tin đã đưa:
Up